Tin tức

Xu hướng mới: Chuỗi cung ứng lạnh đang 'nóng' nhất ngành Logistics

Đăng ngày: 17/06/21
Kho lạnh là hệ thống có thể điều chỉnh, kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm nhằm kéo dài thời gian lưu kho một số mặt hàng nhất định như thực phẩm, mỹ phẩm hay thậm chí là vaccine. Kho lạnh có thể phân thành 3 loại chính gồm: kho trữ đông lạnh sâu (từ âm 30 đến âm 28 độ C), kho đông lạnh (từ âm 20 đến âm 16 độ C) và kho mát (2-4 độ C).
Số lượng kho lạnh ngày một tăng lên giữa đại dịch nhưng nguồn cung vẫn thiếu hụt so với nhu cầu, khiến kênh này hút vốn đầu tư mạnh.

Đầu tư kho lạnh cho thuê là mô hình đang được nhiều đơn vị lựa chọn
Báo cáo thị trường kho lạnh của JLL cho biết, xu hướng người tiêu dùng chuyển sang đi chợ trực tuyến đang thúc đẩy nhu cầu đối với kho lạnh chứa hàng, phân khúc vốn đang thiếu hụt nguồn cung trầm trọng ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.

Lĩnh vực xuất khẩu thủy sản Việt Nam là ngành chiếm nhiều diện tích kho lạnh nhất. Trong thời kỳ cao điểm đại dịch diễn biến phức tạp trên toàn cầu, 30-50% đơn đặt hàng xuất khẩu thủy sản đã bị hủy dẫn đến hàng tồn kho leo thang và các kho lạnh tại Việt Nam phải hoạt động hết công suất. Bà Trang Bùi, Giám đốc Cấp cao JLL thị trường Việt Nam nhận định, với chuỗi cung ứng lạnh không tập trung và hầu hết được điều hành bởi các nhà cung cấp vừa và nhỏ, các trung tâm kho lạnh là cơ hội đầu tư lớn cho các nhà khai thác tại thị trường Việt Nam.

Trước sự thiếu hụt nguồn cung và tiềm năng to lớn của thị trường kho lạnh Việt Nam, loại hình bất động sản này thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư địa ốc, lọt vào tầm ngắm của các quỹ đầu tư mạo hiểm và cả các bên cho vay. Nhiều quỹ đầu tư cũng cân nhắc kho lạnh như một khoản đầu tư thay thế cho bất động sản công nghiệp truyền thống tại thị trường Việt Nam.
Nhu cầu lớn khiến các nhà phát triển phải đáp ứng theo, dẫn đến sự bùng nổ xây dựng. Theo công ty tư vấn Emergen, khối lượng xây dựng kho lạnh được dự đoán sẽ đạt giá trị 18,6 tỷ USD vào năm 2027, tăng 13,8% mỗi năm. Ngay cả với tốc độ xây dựng này, tình trạng thiếu kho lạnh có thể vẫn tiếp diễn do nhu cầu lớn về thực phẩm tươi sống.

Công ty nghiên cứu Forrester dự báo, dịch vụ đi chợ trực tuyến tại châu Á Thái Bình Dương sẽ tăng 30% mỗi năm cho đến năm 2024, tăng gấp đôi thị phần trực tuyến lên 10,6%. Tại Mỹ, tỷ trọng mua thực phẩm trực tuyến được dự báo tăng gấp đôi vào năm 2025 lên 21,5%, theo nghiên cứu của hãng thương mại điện tử Mercatus và công ty Incisiv. Tại Anh, 80% thực phẩm thô được nhập khẩu và tình trạng thiếu hụt trái cây và rau quả tươi ngày càng báo động.

JLL dự báo nhu cầu kho lạnh sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong ít nhất nửa thập niên tới do người tiêu dùng toàn cầu đang thay đổi hành vi mua sắm kể từ biến động lịch sử đại dịch. Điều này đồng thời mở ra nhiều cơ hội thu hút vốn đầu tư vào thị trường ngách nhưng đầy tiềm năng là chuỗi cung ứng lạnh trong tương lai.
Nguồn: vnexpress

Bản tin khác