Tin tức

Khủng hoảng container rỗng có thể kéo dài đến cuối năm nay, giá container mới tăng vọt

Đăng ngày: 07/05/21
Lượng container đóng mới được chuyển giao trong năm nay được dự báo sẽ đạt mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng thiếu hụt nghiêm trọng container rỗng trên toàn cầu được nhận định khó có thể giảm xuống trước cuối năm nay.
Chuyên gia phân tích cấp cao John Fossey từ hãng tư vấn vận tải đường biển Drewry Shipping Consultants (Anh) cho biết lượng container mới được chuyển giao trong quý 1/2021 ước đạt khoảng 1,4 triệu TEU (1 TEU tương đương 1 container 20 feet). Con số này cao hơn khoảng 10% so với hồi quý 4/2020 và cao hơn tới 21% so với cùng kỳ năm trước.

“Dựa trên tình hình hiện tại, chúng tôi (Drewry Shipping Consultants) ước tính sản lượng container cả năm nay trên toàn cầu sẽ đạt mức cao kỷ lục, hơn 4,7 triệu TEU. Con số này cao hơn nhiều so với mức 4,42 triệu TEU được sản xuất trong năm 2018 và cao hơn tới 52% so với mức 3,1 triệu TEU được bàn giao trong năm 2020”, ông John Fossey nói.  

Nhiều hãng tàu đã bỏ qua các cảng có thời gian bốc dỡ lâu hoặc có ít hàng cần bốc dỡ nhằm đảm bảo lịch khai thác tàu. Điều này đang khiến tình trạng thiếu hụt container trở nên nghiêm trọng hơn (Ảnh: The Wall Street Journal)

Tuy nhiên, ông John Fossey nhận định bất chấp việc sản lượng container mới tăng cao kỷ lục, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng container rỗng trên toàn cầu như hiện nay khó có thể giảm xuống cho đến cuối năm nay. Nguyên nhân chủ yếu không phải do ngành vận tải toàn cầu thiếu hụt container rỗng mà là do lượng container đang bị phân bổ không đúng chỗ dưới các tác động của đại dịch Covid-19.

Khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát trên toàn cầu hồi đầu năm ngoái, các hãng tàu đã phải bỏ trống nhiều tuyến vận tải do nhu cầu sụt giảm và không thể tiếp cận nhiều cảng. Tuy nhiên, kể từ mùa thu năm ngoái, nhu cầu nhập khẩu hàng hoá từ Hoa Kỳ và Châu Âu bùng nổ đã buộc các hãng tàu triển khai các tàu vận tải lớn với lượng container nhiều hơn nhưng nhiều cảng biển tại khu vực nhập khẩu không có đủ nhân lực để bốc dỡ kịp, khiến tình trạng tắc nghẽn và lượng lớn container bị kẹt tại các cảng xảy ra.

Bên cạnh đó, dòng chảy container chủ yếu hướng từ phía Châu Á đến khu vực Hoa Kỳ và Châu Âu trong khi chiều ngược lại ở mức thấp hơn đáng kể càng khiến vòng lưu chuyển container chậm lại, tình trạng thiếu hụt container trở nên trầm trọng hơn.   

Ngoài ra, để đối phó với tình trạng tắc nghẽn cũng như áp lực khai thác tàu khi nhu cầu vận tải tăng cao, nhiều hàng tàu đã quyết định dừng bốc dỡ hàng tại các cảng có thời gian chờ bốc dỡ lâu hoặc cảng có ít hàng cần bốc dỡ để chuyển qua các cảng khác. Những quyết định dừng bốc dỡ và chuyển điểm đến lại thường chỉ được các hãng tàu thông báo rất muộn theo lịch hải trình. Điều này đã khiến các hoạt động logistics đi kèm bị rối loạn, lượng lớn container bị bốc dỡ sai vị trí dự kiến ban đầu, khiến vòng quay của container bị kéo giãn lâu hơn.

Giới quan sát cho biết việc các hãng tàu huỷ dừng và chuyển địa điểm bốc dỡ sang các cảng mới một cách đột xuất chỉ khiến tình trạng tắc nghẽn tại các cảng trở nên tồi tệ hơn khi nhiều cảng buộc phải bốc dỡ và xử lý lượng lớn container ngoài kế hoạch dự kiến.

Ông John Fossey cho biết “Các hãng tàu có thể dễ dàng thay đổi lịch và khối lượng vận chuyển nhưng các cảng biển khó có thể theo kịp những thay đổi này. Các hãng khai thác tại cảng phải mất thời gian để thuê và đào tạo nhân viên mới để tăng năng lực xử lý hàng hoá. Trong khi đó, các phương tiện vận tải nội địa như đường sắt và đường bộ đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực và năng suất lao động giảm, khiến việc giải phóng hàng hoá khỏi các cảng ngày càng khó khăn hơn”.

Theo ông John Fossey, tình trạng thiếu hụt container rỗng như hiện nay chỉ được giải quyết khi chu kỳ quay vòng container quay trở lại như lúc trước khi dịch bệnh bùng phát và điều này chỉ có thể đạt được vào cuối năm nay hoặc thậm chí vào năm 2022.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt container rỗng có thể còn trở nên nghiêm trọng hơn trong thời gian tới khi nhu cầu về container không chỉ tăng cao do các hoạt động thương mại bùng nổ mà còn do một lượng đáng kể container sẽ hết niên hạn sử dụng. Thông thường, một container sẽ có tuổi thọ 15 năm và những container sản xuất trong giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2009 sắp hết niên hạn sử dụng.

“Có một lượng lớn container được sản xuất từ cuối những năm 2000 đang được sử dụng trên thị trường và việc thay thế những container này sẽ thúc đẩy số đơn đặt hàng container mới từ nây đến năm 2025. Khoảng 45% số container được sản xuất trong năm nay là nhằm thay thế các container lớn, con số này sẽ tăng lên mức 60% trong năm sau và kéo dài đến năm 2025. Sản lượng container toàn cầu sẽ được duy trì trên 4 triệu TEU/năm từ nay cho đến năm 2025”, theo ông John Fossey.

Tình trạnh trên đã khiến giá container mới hiện đang tăng mạnh với mức 6.160 USD/1 container 40 feet, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Thông thường các hãng vận tải sẽ thuê container trong vòng 9 đến 10 năm. Tuy nhiên, tình trạng khan hiếm container rỗng hiện nay đã khiến các hãng vận tải có xu hướng kéo dài thời gian thuê container.

Theo tapchicongthuong

Bản tin khác