Tin tức

Khảo sát các doanh nghiệp EU về triển vọng và định hướng kinh doanh tại ASEAN hậu Covid-19

Đăng ngày: 13/11/20
Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN (EU-ABC) đã công bố kết quả Khảo sát quan điểm kinh doanh của các doanh nghiệp EU-ASEAN (EABSS) năm thứ 6 vào tháng 10/2020. Đây là một trong những ấn bản quan trọng và được mong đợi hàng đầu của họ.
EU-ABC chính thức được thành lập vào năm 2014 nhằm thúc đẩy lợi ích của các doanh nghiệp châu Âu trong ASEAN. Hội đồng thường xuyên tổ chức các sự kiện chính thức với các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp và công nghiệp nổi tiếng trong ASEAN.

EABSS được ban hành hàng năm và cung cấp thông tin về triển vọng kinh doanh mới nhất trong khu vực. Các vấn đề chính như môi trường kinh tế vĩ mô cũng như cải cách chính sách và quy định được khảo sát với sự hỗ trợ của Phòng Thương mại Châu Âu ở mọi quốc gia thành viên ASEAN.


EABSS năm nay đã khảo sát quan điểm của các doanh nghiệp EU về tác động của đại dịch COVID-19 đối với hoạt động kinh doanh và phản ứng của các chính phủ ASEAN. Trong khi cuộc khảo sát xác định ASEAN là khu vực có cơ hội kinh doanh tốt nhất, các doanh nghiệp EU cũng có những mối quan  tâm đến các khu vực khác, chẳng hạn như Bắc Á và Châu Phi.

Những phát hiện chính của cuộc khảo sát như sau:

Phản ứng của ASEAN với COVID-19

Cuộc khảo sát cho thấy 49% doanh nghiệp EU được hỏi cho rằng các quốc gia ASEAN không có đủ nguồn lực cần thiết để đối phó với đại dịch COVID-19 và 92% cho rằng điều này có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của họ.

Khoảng 44% nói rằng họ sẽ giảm quy mô đầu tư vào ASEAN trong ngắn hạn và trung hạn do quan ngại dịch bệnh COVID-19 tạo ra những rủi ro mới cho khu vực; nhưng ngược lại các doanh nghiệp EU lại tin tưởng hơn vào các quốc gia thành viên đã kiểm soát được COVID-19. Cuộc khảo sát cho thấy 34% số người được hỏi coi ASEAN là khu vực mà họ cần tổ chức lại chuỗi cung ứng, tiếp theo là Châu Âu (20%) và Trung Quốc (17%).

Các doanh nghiệp được hỏi cũng cho rằng ASEAN nên hiện đại hóa các thủ tục hải quan và thủ tục khác liên quan của mình để tạo thuận lợi cho sự di chuyển của hàng hóa và tận dụng lợi thế của chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu.

Triển vọng kinh doanh ở ASEAN

Kết quả cuộc khảo sát xác nhận rằng niềm tin kinh doanh trong ASEAN vẫn mạnh mẽ, mặc dù tỷ lệ lạc quan giảm từ 63% vào năm 2019 xuống còn khoảng 53% số doanh nghiệp EU cho rằng ASEAN là khu vực có cơ hội kinh tế tốt nhất trong 5 năm tới. Trung Quốc đứng thứ hai với 14%.

59% doanh nghiệp EU cho rằng ASEAN quan trọng hơn về mặt doanh thu so với các khu vực khác trên toàn thế giới mặc dù tỷ lệ này cũng giảm so với 71% vào năm 2019, chứng tỏ rằng các doanh nghiệp đang lo lắng về sự phục hồi kinh tế của khu vực sau COVID-19.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy các doanh nghiệp quan tâm hơn đến một số thị trường khác, mặc dù tỷ lệ đấy là khá nhỏ, ví dụ đối với Ấn Độ (8%), Bắc Á (5%) và Châu Phi (6%) như những khu vực mới để đa dạng hóa.

Về thương mại và đầu tư, 73% số người được hỏi mong đợi thương mại và đầu tư lớn hơn vào ASEAN trong 5 năm tới (giảm từ 84% năm 2019) và 56% doanh nghiệp châu Âu tích cực hơn với việc mở rộng kinh doanh tại trong khu vực (cũng giảm từ 61% năm 2019).

Các yếu tố chính ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp là tâm lý bảo hộ gia tăng, thiếu các tiêu chuẩn hài hòa và thiếu tự do hóa trong khu vực dịch vụ.

Bất chấp những thách thức này, những sẵn sàng mở rộng hoạt động kinh doanh tại ASEAN cho biết khu vực thị trường này thuận lợi hơn cho việc đa dạng hóa các nhóm khách hàng và chi phí sản xuất ở đây nhìn chung vẫn rẻ hơn so với các khu vực khác. Hơn nữa, ASEAN  cũng đã có những cải tiện về cải thiện cơ sở hạ tầng trong những năm gần đây.

Tầm quan trọng của hội nhập kinh tế trong ASEAN đối với doanh nghiệp

Đa số người được hỏi (70%) cho rằng hội nhập kinh tế của ASEAN đóng vai trò quan trọng đối với sự thành công của hoạt động kinh doanh của họ trong khu vực. Tuy nhiên, chỉ có 2% cảm thấy rằng tiến trình hội nhập kinh tế đang diễn ra đủ nhanh, tỷ lệ này giảm so với 6% vào năm 2019.

Thông qua quá trình hội nhập, ASEAN cần hài hòa tốt hơn các tiêu chuẩn và quy định để tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa trong ASEAN cũng như loại bỏ các hạn chế tiếp cận thị trường. Cuộc khảo sát cho thấy 8% số người được hỏi sẽ tăng sử dụng chuỗi cung ứng khu vực nếu một số rào cản thương mại được dỡ bỏ.

Các doanh nghiệp châu Âu muốn có nhiều tiến bộ hơn trong việc kí kết và thực hiện các FTA

Đại đa số người được hỏi (96%) muốn EU đẩy nhanh việc hoàn tất hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN, so với các thỏa thuận song phương khác giữa EU và ASEAN.

Hơn 2/3 số doanh nghiệp EU được hỏi cho rằng việc thiếu FTA giữa các khu vực đã đặt các doanh nghiệp vào thế bất lợi trong cạnh tranh so với các doanh nghiệp từ các nước đã có FTA với ASEAN như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc.

Những người được hỏi cũng chỉ ra những yếu tố quan trọng sau đây khi thực hiện một FTA giữa hai khu vực hoặc FTA song phương với ASEAN:
• Xóa bỏ thuế quan;
• Xóa bỏ hàng rào phi thuế quan giữa EU và ASEAN;
• Loại bỏ các hạn chế tiếp cận thị trường;
• Hài hòa các tiêu chuẩn;
• Bảo hộ sở hữu trí tuệ;
• Quy trình mua sắm chính phủ;
• Bảo vệ môi trương;
• Quyền lao động;
• Luật cạnh tranh; và
• Xóa bỏ phân biệt về quyền sở hữu và các hạn chế khác liên quan đến sở hữu nước ngoài (người nước ngoài được phép sở hữu 100% doanh nghiệp).

Nguồn: VITIC biên dịch từ www.aseanbriefing.com

Bản tin khác